BỘ MÁY TỔ CHỨC BỘ MÁY TỔ CHỨC

BẦU CỬ KHÔNG CHỈ LÀ “QUYỀN” MÀ CÒN LÀ “TRÁCH NHIỆM” CỦA CÔNG DÂN!
Publish date 19/05/2021 | 18:06  | View Count: 638

Gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thì xuất hiện một số luận điệu mang tính tiêu cực, thậm chí phá hoại. Trong đó, có ý kiến cho rằng bầu cử là quyền của công dân (cử tri) nên công dân có thể tham gia hoặc không. Ý kiến này dẫn lại Điều 27 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định” nhưng lại không dẫn các điều khác. Ý kiến này hàm chứa sự kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, từ đó các phần tử xấu có thể lợi dụng để xuyên tạc, công kích, phủ nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bầu cử nói riêng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và xã hội nói chung.

Về mặt thực tiễn lẫn pháp lý, không có cái gọi là “quyền” đơn thuần, tức là quyền mà không gắn với nghĩa vụ. Điều này có nghĩa là, khi một công dân hay một cá nhân được trao một quyền thì sẽ kèm theo một nghĩa vụ tương ứng, dù có một số vấn đề không nhất thiết được luật hóa mà đã được mặc nhiên thừa nhận. Thí dụ: mỗi cá nhân có quyền có tài sản thì nghĩa vụ đi kèm là phải tôn trọng tài sản của người khác và tôn trọng quyền có tài sản của người khác; hoặc: mỗi cá nhân có quyền hít thở (để duy trì sự sống) mà không cần thiết phải đưa vào luật thì cá nhân đó có nghĩa vụ tôn trọng quyền được thở của người khác và không được xâm phạm đến quyền hít thở của người khác…

Điều 15 Hiến pháp quy định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Hay Điều 39 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”; Điều 43 nêu: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”… Tức là mỗi cá nhân được tạo điều kiện thụ hưởng những gì và mong muốn được thụ hưởng những gì thì phải có nghĩa vụ tương ứng.

Như vậy, đối với vấn đề bầu cử, công dân (cử tri) có quyền bầu cử thì cũng có nghĩa vụ đi bầu cử. Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân, vốn phải trải qua nhiều đấu tranh trong lịch sử nhân loại, bởi không phải ở thời kỳ nào, ở quốc gia nào, các công dân cũng có quyền bầu cử. Chẳng hạn, ở nước ta, mãi đến ngày 6-1-1946, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị tước quyền bầu cử và có đủ năng lực hành vi theo quy định của pháp luật mới được thực hiện quyền bầu cử. Trước đó, trong chế độ thực dân, nửa phong kiến, chỉ một số ít người được quyền đi bầu trong các cuộc bầu cử về cơ bản mang tính hình thức, mị dân, bởi chính quyền hoàn toàn nằm trong tay thực dân Pháp. Hiện nay, quyền bầu cử là việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước; quyền này bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐND các cấp. Điều 27 của Hiến pháp và Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp”.

Nghĩa vụ bầu cử là trách nhiệm của công dân trong việc giới thiệu, chọn lựa người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm góp phần vào việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nói bầu cử là nghĩa vụ bởi nếu công dân (cử tri) không đi bầu cử thì không thể thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp như luật định. Đó là: nếu không bầu cử thì không có đại biểu Quốc hội và từ đó không thể thực hiện việc bầu các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, không thể phê chuẩn các chức danh khác theo luật định. Không có nhà nước thì không thể thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, cũng không thể thực hiện việc bảo đảm tính chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của nhà nước.

Điều này cũng có nghĩa rằng, công dân không thực hiện nghĩa vụ bầu cử thì đã xâm phạm đến quyền ứng cử của công dân khác bởi các ứng cử viên đó không có ai bầu thì không thể trở thành các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Bên cạnh đó, Hiến pháp quy định nhiều nghĩa vụ của công dân liên quan đến đất nước, như “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc” (Điều 44), “Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45), “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 46)… Hay về các quyền của công dân, như “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3), “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6), “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” (Điều 21)… đều cần phải có nhà nước để bảo đảm cho công dân được thực hiện các quyền ấy. Tức là, nếu không có nhà nước và chính quyền các cấp (do không có hoạt động bầu cử) thì các nghĩa vụ và các quyền của công dân không thể thực hiện đầy đủ.

Từ đó cho thấy, ý kiến nói công dân (cử tri) có thể đi bầu cử hoặc không vì chỉ là quyền mà không phải là nghĩa vụ là một ý kiến sai trái, một cách diễn giải ngụy biện và sai trái so với cả thực tiễn lẫn pháp lý. Như vậy, bầu cử vừa là quyền và nghĩa vụ của công dân (cử tri), nên mỗi công dân (cử tri) cần thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật. Điều đó góp phần vào việc xây dựng nước Cộng hòa Xã hội Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng!