LỊCH SỬ - VĂN HÓA LỊCH SỬ - VĂN HÓA

KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP QUẬN ĐỐNG ĐA (31/5/1961 -31/5/2021) PHỐ NGUYỄN KHUYẾN - DẤU TÍCH LỊCH SỬ QUẬN ĐỐNG ĐA
Ngày đăng 08/04/2021 | 17:41  | Lượt xem: 325

Phố Nguyễn Khuyến có chiều dài 530m, bắt đầu từ phố Lê Duẩn đến phố Văn Miếu, nằm trong địa giới hành chính của phường Văn Miếu, Quận Đống Đa. Trên phố này xưa kia có hai thôn Văn Mặc và Thanh Ngô, thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, trấn Hà Nội. Tới giữa thế kỉ 19, thôn Văn Mặc đổi thành thôn Văn Tân, còn tổng Hữu Nghiêm đổi ra thôn An Hòa. Nay số nhà 82 phố này là đình thôn Văn Tân cũ, nhưng ngôi chùa Ngọc Hồ ở số nhà 128 mới là một di tích cổ. Với truyền thuyết vua Lê Thánh Tông gặp tiên và đã được bà Đoàn Thị Điểm đưa vào truyện “Bích Câu kỳ ngộ”. Sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp thành lập Uỷ ban làm quy hoạch chi tiết địa giới thành phố. Ngày 14/9/1888, quyền Tổng trú sứ Parreau đã ban hành nghị định về phân định ranh giới Hà Nội, theo đó, một trong những đường ranh giới chính là khu phố Sinh Từ và đường Phủ Thanh Oai (gồm phố Văn Miếu, Quốc Tử Giám và một phần phố Tôn Đức Thắng bây giờ).Thời Pháp thuộc, phố có tên là “route de Sinh-tu” do cạnh đó có ngôi sinh từ xây năm 1883 của Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ (1813-1888) ở phố Lý Thường Kiệt mà dân gọi là ngõ Hàng Đũa, nay là phố Ngô Sĩ Liên. “Đường Sinh Từ” ra đời năm 1888, tức một trong những đường phố được đặt tên chính thức đầu tiên của Hà Nội. Trong nghị định số 32 vào tháng 4/1890, chính quyền thành phố đã ấn định chiều dài của đường là 540m, chiều rộng 8m, vỉa hè mỗi bên 3m.Các bản đồ Hà Nội vẽ cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 cho thấy phố Sinh Từ đã định hình gần như hiện nay.

Trên một số bưu ảnh Pháp đương thời có chụp hình ảnh cổng chính của Văn Miếu kèm theo chú thích "route de Sinh Tu". Quả vậy, đường Sinh Từ hồi đó dài hơn, gồm các phố Nguyễn Khuyến, Quốc Tử Giám và phố Văn Miếu bây giờ. Sau khi các phố này được quy hoạch và xây dựng hoàn thiện hơn vào thập niên 1920 thì chúng mới được đặt theo các tên mới riêng biệt: Phố Quốc Tử Giám là đường 238 (voie 238), phố Văn Miếu là phố Cao Đắc Minh, phố Ngô Tất Tố là ngõ 251 (sau Cách mạng là ngõ Trạng Bùng, thời tạm chiếm được đổi thành ngõ 226). Khi mở tuyến tàu điện Bờ Hồ - Thái Hà (1899), người Pháp đã lắp đường ray dọc phố Sinh Từ, nối Cửa Nam với phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng). Đến năm 1910, đường Hàng Đẫy được mở rộng thì Sở xe điện mới bóc đoạn ray này để chuyển sang phố Hàng Đẫy (phố Nguyễn Thái Học bây giờ). Sau này đường Sinh Từ thay đổi kích thước. Theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 11/2/1927, đường nằm trong tiểu khu Sinh Từ (quartier de Sinh-tu), dài 470m, có chiều rộng mặt đường là 10m. Chiều rộng của vỉa hè mỗi bên là 5m, như vậy tổng chiều rộng của phố là 20m so với 14m trước kia. Theo tờ trình về việc đặt tên phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Trần Duy Hưng kí ngày 1/12/1945, phố Sinh Từ được đổi thành phố Bùi Huy Bích. Trong thời Pháp tái chiếm, tên Sinh Từ được dùng trở lại kể từ 1949 và được chính thức phê chuẩn năm 1951 theo nghị định của Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín. Tên phố như hiện nay được UBND TP Hà Nội đặt vào tháng 6/1964 để kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909), hiệu Quế Sơn người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, nay thuộc tỉnh Nam Hà. Ông xuất thân nhà nho nghèo, năm 1864 đỗ giải nguyên, bảy năm sau (1871) đỗ Hội nguyên và Đình nguyên nên thường được gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Ông làm quan ở nhiều nơi, tới năm 1883, khi thực dân Pháp đã chiếm Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Độ - Kinh lược sứ Bắc Kỳ - đã cử ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, nhưng ông lấy cớ đau mắt, cáo quan về nhà không chịu cộng tác với Pháp.

(Nguyễn Khuyến cùng với Tú Xương là hai nhà thơ nổi tiếng của dòng văn học hiện thực trào phúng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX…) Hiện nay Phố Nguyễn Khuyến là tuyến phố giao thông một chiều, có các xe buýt số 38 đi từ đông sang tây. Đầu phố giáp chợ Cửa Nam và cắt ngang đường xe lửa từ ga Hàng Cỏ đi về phía bắc. Trên phố vẫn có một số cửa hàng truyền thống bán dao kéo và vôi sơn. Thời Pháp thuộc, trên phố có ngõ Yên Sơn, ngõ Nam Hoa (còn gọi ngõ Xưởng Đúc) và ngõ Văn Tân (cité Van Tan). Ngoài ra, phố Ngô Sĩ Liên xưa gọi là ngõ Sinh Từ. Năm 1945, ngõ Văn Tân thông sang phố Nguyễn Thái Học được đổi thành ngõ Nguyễn Công Trứ. Đến thời tạm chiếm (1947-1954), theo nghị định ngày 28/2/1951 của Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín, ngõ Văn Tân đổi thành ngõ Yên Thế và giữ tên đó đến hiện nay. Cũng theo nghị định này, ngõ Yên Sơn đổi thành ngõ 222 và đến năm 1994 lại đổi thành ngõ 115 để phù hợp với số nhà liền kề. Ngõ Nam Hoa được gọi là ngõ 221 và vẫn giữ tên ngõ 221 cho đến hiện nay mặc dù số nhà liền kề không phải là 221.Tại địa chỉ 79B phố Nguyễn Khuyến có Cơ sở I của Bệnh viện Da liễu Hà Nội, trước kia dân ta gọi là Nhà thương Sinh Từ. Phía bắc phố thì có một ngôi trường lớn nằm trong số những trường lâu đời nhất tại Hà Nội. Trường này được thành lập năm 1916, lúc đó chỉ dành cho nam sinh, tên là trường Tiểu học Pièrre Pasquier [1], dân quen gọi là trường Sinh Từ. Ban đầu gồm một dãy phòng học hai tầng xây dựng theo kiến trúc Pháp với cầu thang bằng gỗ lim, trong sân trồng nhiều cây xà cừ; hiệu trưởng là Balicourt, ông ta còn kiêm nhiệm một số trường nam sinh ở phía nam Hà Nội. Trường được đổi tên thành trường cấp 1-2 Lý Thường Kiệt vào năm 1959. Đến năm 1994, hai trường cấp 1 và cấp 2 tách riêng, trở thành trường Tiểu học Lý Thường Kiệt và trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt. Ngày nay Phố Nguyễn Khuyến vẫn là một con phố yên ả thanh bình trên địa bàn Quận Đống Đa nói riêng và toàn thành phố Hà Nội./.